Nhà Tù Phú Quốc, Di Tích Lịch Sử Ấn Tượng Tại Đảo Ngọc
Nằm ở phía Nam hòn đảo, Nhà Tù Phú Quốc là di tích lịch sử minh chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của quân dân Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Cùng tìm hiểu về Nhà Tù Phú Quốc qua bài viết dưới đây nhé!
Đảo ngọc Phú Quốc không chỉ nổi tiếng với những bãi tắm hoang sơ, quyến rũ, các khu nghỉ dưỡng sang trọng, hay siêu quần thể vui chơi giải trí bất tận. Ở đây còn có một địa điểm từng được biết đến với biệt danh “địa ngục trần gian” – Nhà Tù Phú Quốc – với hàng loạt kiểu nhục hình, tra tấn tù nhân, mà chỉ qua một lần tham quan và nghe thuyết minh thôi cũng đủ thấy rùng mình.
Cùng với Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo, Khu di tích nhà tù Phú Quốc là một trong hai điểm đến mang tính lịch sử, minh chứng cho những tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chiến tranh đã qua đi, nhưng những gì đã xảy ra tại Nhà tù Phú Quốc vẫn còn gây rúng động tâm can mỗi khi nhắc đến. Nếu có dịp đi du lịch Phú Quốc, hãy dừng chân tham quan, tìm hiểu địa danh đặc biệt này nhé.
Giới Thiệu Nhà Tù Phú Quốc
Nhà tù Phú Quốc, Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, hay Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc, là những tên gọi để chỉ khu trại giam lớn nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc, nay thuộc phường An Thới.
Trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương, trại giam này có tên là Nhà lao Cây Dừa, nơi giam tù binh trung tâm của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tính tới thời điểm đó, Nhà lao Cây Dừa giam giữ hơn 40.000 tù binh chính trị của nhiều thời kỳ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, tức Chiến tranh Đông Dương lần 2, các tù binh chiến tranh tại đây đã phải chịu những hình thức giam cầm, tra tấn man rợ, nhục hình. Chỉ trong 6 năm, từ 1967 đến 1973, hơn 4.000 người đã bỏ mạng, và hàng chục ngàn người khác bị thương tật, tàn phế suốt đời.
Tính đến cuối năm 1972, Nhà tù Phú Quốc có tất cả 14 khu, với sức chứa khoảng 3.000 tù nhân ở mỗi khu. Mỗi khu trại giam lại được chia thành 4 phân khu; trong đó, phân khu B2 dành riêng cho tù binh sĩ quan. Tất cả các khu trại giam do 3 tiểu đoàn quân cảnh canh giữ.
Ngoài ra, Nhà tù Phú Quốc còn có trại giam tù hình sự, dùng để giam giữ những tù nhân thường phạm bị kết án 10 năm trở lên. Khu trại này nằm ở phía Tây của đảo Phú Quốc, nay thuộc phường An Thới.
Khu di tích nhà tù Phú Quốc mà mọi người đến tham quan hiện nay là công trình phục dựng, được xây dựng ngay trên khu vực chính của Nhà lao Cây Dừa trước đây, nổi bật với tượng đài hình nắm tay, biểu tượng cho tinh thần hiên ngang của tù binh Phú Quốc, nghĩa trang liệt sĩ, và khu trại giam phục dựng.
Năm 1995, Khu di tích nhà tù Phú Quốc được công nhận di tích cấp quốc gia.
Nhà Tù Phú Quốc Ở Đâu?
-
Khu di tích nhà tù Phú Quốc tọa lạc tại địa chỉ 465, đường tỉnh 46, phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Khu vực này cách trung tâm phường Dương Đông khoảng 26km, cách Bãi Sao chưa tới 5km.
Hướng Dẫn Cách Đi Nhà Tù Phú Quốc
Từ phường Dương Đông, bạn có thể đi ô tô hoặc xe máy đến Khu di tích nhà tù Phú Quốc. Chỉ cần thuê một chiếc xe máy là tha hồ bon bon trên đường, vừa làm chủ thời gian vừa có dịp khám phá nhiều cảnh quan trên đường. Còn nếu bạn không tự tin về khả năng tìm đường, hoặc đi theo một nhóm lớn, thì có thể thuê ô tô có tài xế riêng cho an toàn và tiết kiệm nè.
Giờ Mở Cửa Nhà Tù Phú Quốc
Khu di tích nhà tù Phú Quốc hoạt động với khung thời gian như sau:
-
Sáng: 8h00 – 11h30
-
Chiều: 1h30 – 5h00
#teamKlook lưu ý để sắp xếp lịch trình của mình cho phù hợp nhé.
Giá Vé Tham Quan Nhà Tù Phú Quốc
Khu di tích nhà tù Phú Quốc hoàn toàn miễn phí tham quan. Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết tìm hiểu và nghe tường tận những câu chuyện lịch sử ở đây, hãy thuê hướng dẫn viên nhé. Thông thường, phí dịch vụ sẽ dao động 100.000đ – 200.000đ/buổi,.
Lịch Sử Nhà Tù Phú Quốc
Nhà tù Phú Quốc có cả quá trình hình thành khá dài. Vốn là một trại giam do Pháp xây dựng có tên là Căng Cây Dừa, dùng để giam giữ những người Việt yêu nước, nhưng khi Mỹ gia tăng sự can thiệp vào chiến sự ở Việt Nam, chính quyền Sài Gòn cho xây dựng Nhà lao Cây Dừa, hay còn gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc.
Thời kỳ Pháp thuộc
Năm 1949, sau khi thua trận trước quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, tướng lĩnh quân Trung Hoa Quốc dân đảng đã dẫn hơn 30.000 quân chạy sang Việt Nam, và đóng quân tại phía Nam đảo Phú Quốc.
Năm 1953, những người này bỏ về Đài Loan, để lại nhà cửa, đồn điền. Pháp đã tận dụng doanh trại có sẵn để lập ra Trại Cây Dừa, hay còn gọi là Căng Cây Dừa, để giam giữ gần 14.000 tù binh. Sau hơn 1 năm ở trại, có 99 tù binh tử vong, và 200 người vượt ngục. Tháng 7 năm 1954, sau Hiệp định Genève, Pháp trao trả tù hầu hết binh cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam
Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng trại giam mới ngay tại địa điểm Căng Cây Dừa cũ, với diện tích ban đầu là 4 héc-ta, đặt tên là Trại huấn chính Cây Dừa, hay còn gọi là Nhà lao Cây Dừa.
Năm 1956, rất nhiều tù nhân từ Đề lao Gia định, Trung tâm huấn chính Biên Hòa, và từ nhiều nhà lao khác được đưa về Nhà lao Cây Dừa. Về sau còn có một số tù nhân chính trị cũng được đưa đến Trại huấn chính Cây Dừa để giam giữ.
Tình hình ở lúc đó trở nên bất ổn khi có khoảng 100 tù nhân vượt ngục, một số bị bắn chết, nên vào năm 1957, những tù nhân chính trị bị đưa về đất liền hoặc đày ra Nhà tù Côn Đảo.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam Cộng hòa còn cho xây dựng thêm một trại giam rộng hơn 400 héc-ta nằm tại thung lũng An Thới, cách địa điểm Căng Cây Dừa cũ khoảng 2km. Trại giam này thường được gọi là Trại giam tù binh Phú Quốc.
Từ đó, Nhà tù Phú Quốc trở thành một trung tâm giam giữ tù binh của Việt Nam Cộng Hòa, với hơn 32.000 tù binh, được cho là đã áp dụng những nhục hình tàn bạo, man rợ.
Có Gì Ở Khu Di Tích Nhà Tù Phú Quốc?
Ý chí kiên cường, và nhiều hình thức phản kháng của các tù binh ngày xưa như: im lặng, tổ chức vượt ngục, cũng được thể hiện một cách chi tiết ở Khu di tích nhà tù Phú Quốc.
Bên cạnh đó, Khu di tích nhà tù Phú Quốc không quên xây dựng nghĩa trang liệt sĩ để tưởng nhớ những người đã gục ngã sau những trận tra tấn nhục hình, và đài tưởng niệm có hình nắm tay giơ cao, biểu trưng cho sự hiên ngang, bất khuất của các tù binh Phú Quốc năm xưa.